PHẦN 7: Năm 2016, liệu nước Mỹ và thế giới có rơi vào khủng hoảng như KIYOSAKI dự đoán?

0
1067

BÀI CUỐI: VÁN CỜ THẾ GIỚI – CƠ HỘI VÀ TẬN DỤNG CƠ HỘI NHƯ THẾ NÀO

Ở bài viết trước, tôi thực sự không hài lòng lắm về cách diễn đạt phần sau. Phần nói về lý do tôi tin nền kinh tế Mỹ cũng như những cái đầu lãnh đạo chính sách tiền tệ của họ. Sau đó tôi nhận được vài phản hồi rằng bài này viết “không được đơn giản, gãy gọn và mạch lạc như những bài trước”. Rất cảm ơn những bạn đã góp ý. Tôi đã suy nghĩ và trong bài này sẽ bổ sung thêm cũng như diễn đạt đơn giản để các bạn dễ hiểu hơn ý của tối.

Ngoài ra bài này tôi cũng sẽ phân tích cụ thể nguy cơ cũng như cơ hội này và cách tận dụng chúng với từng đối tượng khác nhau – CỤ THỂ HƠN LÀ CÁCH TÔI ĐANG LÀM CHI TIẾT NHƯ THẾ NÀO.

Đây đã là bài cuối cùng của Seri này. Nếu bạn đọc xong và thấy nó có giá trị. Hy vọng bạn có thể chia sẻ nó cho mọi người quanh bạn. Xin cảm ơn rất nhiều!

VÁN CỜ TIỀN TỆ THẾ GIỚI:

Qua những bài viết trước, chúng ta đồng ý với nhau rằng: Việc chi tiêu thâm hụt là đúng với phần lớn các chính phủ hiện nay. Tôi không dám khẳng định là 100% nhưng có lẽ là hơn 90% các chính phủ hiện giờ chi tiêu nhiều hơn số tiền họ thu vào từ thuế và phí được đóng từ người dân. Và khi hết tiền thì họ đi vay bằng cách phát hành Trái Phiếu.

Mức độ chi tiêu của các chính phủ ngày càng tăng – và khi họ tiêu tiền thì tiền trong lưu thông ở nền kinh tế quốc gia đó tăng. Việc lượng tiền trong lưu thông tăng nhanh hơn GIÁ TRỊ mà nền kinh tế đó sản xuất ra khiến cho LẠM PHÁT xuất hiện và SỨC MUA của tiền tệ giảm sút.

Và bây giờ, bạn hãy tưởng tượng các chính phủ trên thế giới đang ở xung quanh một cái bàn. Họ liên tục ném tiền tệ lên mặt bàn đó (in tiền). Giữa bàn là một xoáy sâu có tên là SIÊU LẠM PHÁT. Càng nhiều tiền được ném ra thì những xếp tiền tệ càng tiền gần đến xoáy sâu này. Quá trình tiền tệ tiến đến xoáy sâu Siêu Lạm Phát là quá trình MẤT GIÁ của tiền tệ.

money hole

Bạn đã tưởng tượng ra rồi chứ?

Các chính phủ liên tục ném tiền ra. Trong đó Mỹ là nước ném ra nhiều nhất. Còn TRUNG QUỐC, NHẬT… (các quốc gia muốn giữ tỷ giá tiền tệ của họ với Đô La Mỹ) Một mặt đưa thêm tiền USD cho Mỹ ném tiền vô bàn, nhận về TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ MỸ để sang bên cạnh sau đó biến ra một mớ tiền tệ nước họ và ném tiếp lên bàn (Đây là quá trình NHTW các quốc gia như Trung Quốc giữ USD dư thừa lại, mua Trái Phiếu và in thêm tiền tệ nước họ đưa vào lưu thông).

Liệu có phải nước nào ném nhiều tiền lên bàn nhất thì tiền tệ nước đó sớm rơi vào cái hố sâu SIÊU LÀM PHÁT nhât?

Câu trả lời là Không phải! Vì hai lý do:

Một là: Nước Mỹ được ném tiền tệ của mình khắp thế giới (khắp bàn), còn các nước khác chỉ ném trong một phạm vi nhất định.

Hai là: Bởi vì bên cạnh chính phủ mỗi nước liên tục ném tiền ra còn có 1 cái máy bơm liên tục hút lại số tiền đó, làm chậm tốc độ di chuyển của đống tiền tệ trên bàn tới hố sâu SIÊU LẠM PHÁT. Cái máy bơm hút này chính là nền kinh tế của mỗi quốc gia và các chính sách tiền tệ của quốc gia đó. Và lực hút của mỗi máy bơm này mạnh yếu khác nhau.

Nước nào có một nền kinh tế mạnh mẽ – mạnh mẽ ở đây được hiểu là nền kinh tế sản sinh ra giá trị to lớn. Thì lực hút của máy bơm mạnh. Tiền nước đó di chuyển tới hố sâu tốc độ chậm hơn.

Nước nào có những người lãnh đạo xuất sắc, với chính sách tiền tệ đúng đắn, thì lực hút máy bơm càng mạnh hơn nữa.

Một nền kinh tế vững nhưng bị lãnh đạo bởi một hệ thống tiền tệ yếu kém trong thời gian dài thì máy bơm lúc này không sinh ra lực hút nữa, mà sẽ thành lực đẩy khiến tiền tệ nước đó nhanh mất giá hơn (Argentina là ví dụ rõ nhất).

Hiện tại thì Mỹ ném ra rất nhiều tiền trên bàn, tuy vậy máy bơm của họ có lực hút mạnh nhất. Như đã nói ở bài trước, tôi tin vào SILICON VALLEY. Bởi vì tôi cho rằng đó là nơi sản sinh ra giá trị lớn nhất thế giới hiện nay.

Căn cứ vào đâu mà tôi cho là như vậy. Không phải tôi căn cứ vào giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay ở thung lũng Silicon này. Bởi như vậy chẳng qua là đo giá trị bằng TIỀN TỆ. Vì vậy cách đo đấy chỉ là một sự tham khảo mà thôi.technology-changing-the-world

Điều khiến tôi tin tưởng vào thung lũng Silicon là những thay đổi về chất lượng sống mà những công ty ở đây đã đang và sẽ mang lại cho thế giới và nhân loại.

Ví dụ: hãy tưởng tượng về một thế giới không có internet – khi đó bao nhiêu ngành kinh doanh bị thiệt hại? thiệt hại là bao nhiêu liệu có đo đếm được?

Chắc hẳn bạn cũng đồng ý rằng công nghệ đang làm thay đổi thế giới mà chúng ta sống, và tương lai sẽ còn thay đổi nhanh hơn. Trừ những thầy tu ở ẩn nơi thâm sơn cùng cốc, còn lại không ai không bị công nghệ ảnh hưởng.

Và phần lớn những công nghệ mới đó đều xuất phát từ SILICON VALLEY – à nói vậy không chính xác, phải nói là phần lớn các công ty công nghệ mới đó ở Silicon Valley và chúng mang giá trị về cho nước Mỹ. Bởi vì có nhiều phát minh, công nghệ mới không bắt nguồn từ nước Mỹ, hay người Mỹ gốc. Tuy nhiên sau cùng nó vẫn mang lợi nhuận và giá trị thặng dư về nước Mỹ nhiều nhất. Vì vậy, lực hút ngược từ máy bơm của Mỹ mạnh hơn các nước khác rất nhiều.

Tiếp theo, về chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia.

Chắc hẳn sẽ có bạn thắc mắc, tại sao các chính phủ lại luôn chi ra nhiều hơn số tiền thu được?

Có hai nguyên nhân chính cho việc này. Và một trong số đó là cực kì “Danh chính ngôn thuận”.

Nguyên nhân đầu tiên:

Hoặc là do chiến tranh (chiến tranh ngốn tiền khủng khiếp ra sao thì mấy bài trước các bạn hẳn cảm nhận được phần nào) hoặc là do bộ máy hành chính cồng kềnh kém hiệu quả và tham nhũng. Đã từng có một nghiên cứu về tâm lý chỉ ra rằng những người tham nhũng tiền của công – áy náy hay day dứt về mặt tâm lý là không đáng kể so với những người trộm cắp tiền của một người cụ thể nào đó. Bởi vì “tiền của nhà nước” là một khái niệm chung chung và mơ hồ. Họ tham nhũng và nghĩ kiểu như “ồ, mình lấy có chút xíu, không ảnh hưởng tới ai đâu…”

Cứ như vậy, chính phủ ngày càng chi tiêu nhiều hơn. Thu thế phí không đủ thì tăng thuế, tăng phí, không đủ nữa thì đi vay…

Nguyên nhân thứ hai:

Nguyên nhân này hết sức “quang minh chính đại”.

Phần lớn các chính phủ hiện nay đều thống nhất về mục tiêu kinh tế vĩ mô của quốc gia theo trường phái kinh tế học vĩ mô tổng hợp. Có 3 mục tiêu chính đó là:

  • Tăng trưởng GDP cao
  • Thất nghiệp thấp
  • Lạm phát ổn định

Theo những lý thuyết về chính sách tiền tệ thì việc tăng giảm cung, cầu tiền tệ trong nền kinh tế sẽ ảnh hưởng tới việc đạt được những mục tiêu nói trên –  và lý thuyết này đã được kiểm chứng trong thực tế là khá hiệu quả . Tất nhiên còn phải được áp dụng đúng lúc thì mới hiệu quả.

Theo lý thuyết trên thì một chỉ số lạm phát vừa phải sẽ có tác dụng kích thích nền kinh tế phát triển. Vì vậy chỉ trừ khi kinh tế tăng trưởng quá nóng, bong bóng tài sản vỡ, khủng hoảng xảy ra hay lạm phát tăng cao thì các quốc gia mới dùng chính sách thắt chặt tiền tệ. Thông thường chính phủ sẽ áp dụng chính sách gia tăng cung tiền nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Với nước nhiều quốc gia chính sách tiền tệ còn là “công cụ” để họ tăng lợi thế cho hàng hóa, doanh nghiệp đất nước mình (như Trung Quốc dùng chính sách tiền tệ để làm hàng nước mình có giá rẻ, tăng cạnh tranh).

Và với Mỹ thì chính sách tiền tệ hiên nay vừa là công cụ nhưng còn là “vũ khí” để làm suy yếu các quốc gia cạnh tranh. Giữ vững vị trí đứng đầu thế giới về kinh tế, khoa học, công nghệ của họ.

Ví dụ thê này: Mỹ nợ 1 tỷ USD, bây giờ Mỹ phá giá tiền USD 25%. Vậy 1 tỷ USD nợ chỉ còn tương đương 750 triệu USD.

Kể từ cuộc khủng hoảng 2008, nhiều nền kinh tế rơi vào trì trệ. Và để thúc đẩy sự hồi phục của nền kinh tế, một biện pháp được dùng ở hầu hết các quốc gia là: Áp dụng chính sách tiền tệ mở rộng, tức là gia tăng lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế. Tuy nhiên không phải ở đâu chính sách này cũng mang lại hiệu quả như chính phủ mong đợi. và họ cho rằng như vậy tiền thêm vào nền kinh tế chưa đủ nhiều, lại tiếp tục gia tăng.

Nếu theo dõi tin thế giới hẳn bạn biết rằng: Nhiều quốc gia đã áp dụng lãi suất âm – với mục đích là kích thích nền kinh tế, như Nhật Bản, một số nước Bắc Âu… Tuy nhiên tôi không cho rằng nó mang lại hiệu quả tốt cho nền kinh tế, mà nó chỉ làm cho lượng cung tiền tăng cao, bong bóng tài sản xuất hiện nhanh chóng và sẽ là nguy cơ tiềm ẩn ngắn hạn.

Hiện tại hầu hết các nước trên thế giới đều đang ở trong một cuộc chiến ‘phá giá tiền tệ”. Bạn hãy tưởng tượng các chính phủ điên cuồng ném tiền lên bàn với hy vọng cải thiện lực hút của máy bơm bên cạnh. Do sự không đồng bộ trong các chính sách khuyến khích kinh tế và nhiều nguyên nhân khác. Sự cải thiện hết sức chậm chạp, không lại được với tốc độ in tiền ra của họ. Và thế là tiền tệ của những quốc gia này tiến ngày càng gần tới hố sâu Siêu Lạm Phát.

Nước Mỹ hiện tại thì sao? Thứ nhất họ đã tăng lãi suất (tăng chứ không phải giảm). thứ hai các gói cứu trợ của chính phủ đã chấm dứt. Mặc dù lượng tiền chính phủ Mỹ chi tiêu vẫn rất nhiều, nhưng hành động này làm cho đồng tiền Mỹ ngày càng mạnh so với tiền tệ các nước còn lại. Vì thế nó tiếp tục củng cố NIỀM TIN CỦA THẾ GIỚI vào đồng Đô La. Trong một mối nguy hiểm về cuộc chiến tiền tệ, tiền sẽ chảy về nơi có niềm tin vững chắc nhất.

Bạn nghĩ nơi những người giàu giữ an toàn cho tiền của mình là ở Thụy Sĩ ư? ồ vậy bạn đã lạc hậu thông tin rồi.

Mời bạn vào click link dưới đây đọc. Để biết rằng từ 2010, với chính sách thay đổi. Tiền của giới tài phiệt hiện đang được giữ an toàn tại … Mỹ.

http://cafebiz.vn/cau-chuyen-kinh-doanh/tiep-tay-cho-cac-tai-phiet-my-tron-thue-ngan-hang-thuy-sy-vua-phai-chiu-an-phat-len-den-5-ty-do-20160321121755854.chn

reno-2
Tạp chí Bloomberg Businessweek đã lấy hình chụp thành phố Reno và “chế” vui lại từ: Thành phố nhỏ lớn nhất thế giới thành “Hầm trú ẩn thuế thấp” lớn nhất thế giới.

Trên đây là lý do tại sao tôi tin rằng:

DÙ USD CÓ MẤT GIÁ TRÊN PHẠM VI TOÀN THẾ GIỚI ĐI CHĂNG NỮA THÌ SO VỚI ĐA SỐ NHỮNG ĐỒNG TIỀN PHÁP LỆNH KHÁC (NHÂN DÂN TỆ , YÊN, EURO…) NÓ VẪN MẠNH HƠN.

Hy vọng là giải thích lại một phen như vậy đủ để các bạn hiểu một cách rõ ràng hơn. Tuy vẫn còn nhiều góc cạnh của vấn đề tôi chưa trình bày hết. Nhưng quá chi tiết sẽ rất dài dòng và lan man. Bạn nào có gì thấy chưa thỏa mãn có thể trao đổi trực tiếp với tôi.

DỰ ĐOÁN CỦA KIYOSAKI.

Quay trở lại dự đoán của Kiyosaki. Như tôi dã nói: Tôi tin rằng một lúc nào đó dự đoán của ông ấy về việc đồng USD sẽ mất giá khủng khiếp so với Vàng Bạc là sẽ xảy ra (Dù ông ấy đưa ra nhiều kịch bản, nhưng kịch bản nào thì USD cũng mất giá lớn so với Vàng Bạc). Nhưng tôi không tin nó xảy ra vào 2016.

Lí do tôi cũng đã nói với các bạn: Ngắn gọn thì là lực hút của nền kinh tế Mỹ vẫn rất lớn, đủ lớn để làm chậm quá trình mất giá của USD. Mặt khác vì lợi thế USD được chấp nhận khắp thế giới mà thị trường lưu thông của đống USD rộng hơn các tiền tệ khác nhiều. Hơn nữa niềm tin của thế giới vào USD vẫn còn rất mạnh.

Bạn có thể đặt câu hỏi. Không phải 2016 thì là bao giờ? Xin trả lời bạn là:… Tôi không biết!

Việc dự đoán một sự việc có xảy ra hay không dễ hơn nhiều so với dự đoán chính xác thời gian sự kiện đó xảy ra. Bởi vì có rất nhiều yếu tố phát sinh làm thay đổi tốc độ di chuyển của tiền tệ thế giới tiến tới hố sâu Siêu Mất Giá kia.

Thực ra tôi nghĩ Kiyosaki “giật tít” về dự đoán 2016 của ông một phần là gây sự chú ý để bán cuốn sách mới nhất ‘cơ hội thứ hai” – việc tạo sự chú ý để bán sách này ông ấy làm rất thành thạo trước đây – nên lần này có lẽ không ngoại lệ.

Một phần khác ông ấy dự đoán 2016 chứng khoán Mỹ khủng hoảng và sụt giảm thì lại không liên quan lắm đến việc mất giá của đồng USD. Mà nguyên nhân chính ông ấy dự đoán vậy liên quan tới thế hệ bùng nổ dân số và luật thuế về chương trình 401k của Mỹ .

401k-plan

Đặc điểm chính của chương trình này là cho phép người lao động được để dành một phần tiền lương trước khi đóng thuế và bỏ vào một tài khoản chung là tài khoản 401K. Tài khoản này được một tổ chức chuyên về đầu tư điều hành. Thường các quỹ này cam kết một tỷ lệ lãi suất hàng năm nhất định. Và số tiền lời kiếm được của mỗi người sẽ bị đánh thuế rất nặng nếu rút ra trước khi nghỉ hưu.

Đây là cách chính phủ Mỹ khuyến khích người dân “tiết kiệm vì tương lai”. Các tổ chức quản lý quỹ 401K đem tiền đó đi đầu tư vào thị trường chứng khoán. Họ mua những chứng khoán có hệ số an toàn cao (thường là ETF các chỉ số lớn).

Và vấn đề nằm ở chỗ, luật Mỹ quy định rằng từ 70,5 tuổi thì BẮT BUỘC phải rút tiền ra khỏi qũy 401K hàng tháng. Nếu không rút thì mỗi tháng sẽ mất 50% số tiền đáng ra phải rút.

Như vậy khi 70,5 tuổi chắc chắn mọi người sẽ rút tiền ra khỏi quỹ 401K. Và lúc này các quản lý quỹ phải bán danh mục đầu tư để lấy tiền cho người dân rút. Và nhóm người đầu tiên của thời kì bùng nổ dân số Mỹ bắt đầu bước vào tuổi 70,5 vào năm 2016.

Căn cứ vào đó mà Kiyosaki cho rằng áp lực bán ra sẽ tăng mạnh. Khiến giá chứng khoán sụt giảm. Điều này có lẽ đã xảy ra vì chứng khoán Mỹ có điều chỉnh vào đầu năm nay – 2016. Tuy nhiên mức sụt giảm chưa đến mức để gọi là khủng hoảng!

NGUY HIỂM – CƠ HỘI & TẬN DỤNG.

Vậy là chúng ta biết rằng có một mối nguy hiểm mang tên ‘SỰ MẤT GIÁ CỦA TIỀN” tồn tại ở ngoài kia, và tương lai gần như chắc chắn sẽ xảy ra SIÊU MẤT GIÁ. Chỉ có điều chúng ta không biết chính xác khi nào mà thôi!

nguy hiem va co hoi

Chúng ta phải chuẩn bị cho mối nguy hiểm này như thế nào? Nếu điều đó xảy ra? Thì ai sẽ bị thiệt hại nhiều nhất – mời bạn quay lại bài học lịch sử về nước Đức 1920 để đọc sẽ rõ là lúc này những người giữ tài sản bằng tiền tệ sẽ thiệt hại lớn nhất.

Vậy thì đứng trước nguy cơ này, bạn hãy tự hỏi bản thân mình xem. Bạn đơn giản chỉ muốn an toàn sống sót qua cơn bão kinh khủng này hay bạn muốn biến nó thành cơ hội tuyệt hảo để gia tăng sự giàu có cho bản thân?

Nếu bạn đơn giản chỉ muốn an toàn sống sót qua cơn bão này và kiếm lợi được chứng nào tốt chừng đó.

Thì rất đơn giản, việc bạn cần làm là: Bắt chước các bà các mẹ ở Việt Nam ta lâu nay. Hãy dành một phần tiền của mình hàng tháng và mua Vàng cất giữ – bạn biết đấy Vàng không bị mất sức mua theo thời gian dài.

Làm vậy an toàn, tuy nhiên vẫn có rủi ro – đầu tiên đó là rủi ro về mất mát (bị trộm nhớ thương hay nhiều vàng quá giấu ở đâu không nhớ hết chẳng hạn).

Thứ hai là rủi ro về mặt luật pháp – nếu một lúc nào đó chính phủ ban hành sắc lệnh cấm người dân được sở hữu vàng. Vậy thì lúc đó bạn chỉ còn cách đem bán vàng cho chính phủ hoặc không tuân theo luật. Mà không tuân theo luật có rủi ro gì thì bạn chắc tự biết rồi.

Bạn đừng nghĩ rằng chuyện cấm dân sở hữu vàng là khó xảy ra. Lịch sử đã có rất nhiều ví dụ rồi. Nước Mỹ có mấy chục năm cấm dân chúng sở hữu vàng bạc (khoảng từ 1932 – 1972). Nước Đức cũng vậy, và còn nhiều nhiều quốc gia khác nữa. Cho nên việc này hoàn toàn có thể xảy ra.

Mặt khác cho dù bỏ qua những rủi ro kia thì khi lựa chọn cách này bạn PHẢI NHỚ: bạn mua Vàng là để giữ sức mua của tiền. Để đề phòng rủi ro Siêu mất giá tiền tệ xảy ra. Không phải đi buôn – mua thấp bán cao. Vì vậy đừng có liên tục xem gíá vàng thay đổi lên xuống ra sao. Nếu làm vậy tâm lý của bạn sẽ không ổn định gây ra nhiều quyết định sai lầm.

Tốt nhất hãy dành ra một khoản tiền và mua vào một cách đều đặn. Vậy là được!

Nếu bạn muốn tận dụng tốt nhất cơ hội này:

Nếu bạn muốn tận dụng tốt nhất cơ hội này thì bạn cần trang bị thêm cho mình vài kĩ năng cũng như công cụ khác.

Trường hợp 1:

Theo tôi ngoài Vàng ra bạn có thể cơ cấu một phần tiền để mua Bạc vật chất. Hiện nay giá Bạc đang rẻ hơn giá trị của chúng cho nên bạn sẽ mua được số lượng nhiều hơn Vàng. Và vì vậy tỷ lệ lợi nhuận của Bạc sẽ cao hơn Vàng. (tại sao Bạc lại đang rẻ hơn giá trị thì sẽ nói khi khác)

Tiếp theo bạn phải tận lực suy nghĩ và quan sát khi Siêu lạm phát đã xảy ra, xem khi nào là thời điểm phù hợp để mang Vàng Bạc có sức mua được tăng lên ra mua lại những tài sản bị mất giá trị trong siêu lạm phát này – ví dụ như khi siêu lạm phát xảy ra ở Đức, có thời điểm toàn bộ BĐS thương mại một thành phố ngoại ô Beclin được mua với giá 25 Oz vàng.

Nếu chọn đúng thời điểm, sau này tài sản của bạn sẽ tăng đáng kể đấy!

Trường hợp 2:

Nếu bạn có điều kiện, tôi nghĩ bạn nên mở một tài khoản chứng khoán ở Mỹ. Lúc này bạn có nhiều công cụ để tận dụng cơ hội. Mọi thứ sẽ an toàn và tiện lợi hơn.

Nếu bạn có tài khoản chứng khoán ở Mỹ. Bạn có thể mua những ETF – (một loại chứng khoán) về Vàng Bạc trên sàn chứng khoán Mỹ. Những ETF này là của các quỹ đầu tư vàng bạc vật chất phát hành. Những quỹ này thực sự mua vào và bán ra Vàng Bac Vật Chất. Chúng được gửi ở những kho vàng khắp thé giới. Vì vậy khi Vàng bạc tăng giá, các ETF này cũng tăng mạnh.

Cách này có lợi thế là bạn không phải lo lắng về nguy hiểm của việc cất giữ vàng bạc vật chất. Tuy nhiên có rủi ro là các Quỹ này thực ra không nắm giữ vàng bạc vật chất thật. Vậy thì các ETF của họ không có giá trị.

Ngoài ETF của các quỹ đầu tư vàng bạc vật chất. Bạn có thể mua vào cổ phiếu của những công ty sở hữu mỏ Vàng, Bạc lớn. Hoặc mua cổ phiếu của những công ty sản xuất hàng thiết yếu như thức ăn, nước sạch…

Lợi thế của cách này là: Vì thời gian Siêu Lạm Phát xảy ra không biết là bao giờ. Nếu bạn mua chứng khoán hay ETF ở Mỹ, bạn có thể áp dụng một số chiến thuật Options để trong lúc chờ đợi bạn vẫn kiếm được tiền.

Bên cạnh đó khi Siêu Lạm Phát xảy ra, bạn có thể nhanh chóng quan sát và cân nhắc chuyển danh mục của mình sang lĩnh vực bạn muốn mà ít có rủi ro. Tỷ dụ như mua cổ phiếu BDS của những công ty BDS xịn nhất. Hay chuyển thành tiền mua BDS thực ở Mỹ, ở VN hay ở bất kì đâu trên thế giới…

Nếu bạn nào muốn biết thì hiện tại thì tôi đang áp dụng phương thức đều đặn mua vào ETF bạc trên thị trường Mỹ. ETF đó là SLV.

Đến đây là kết thúc bài viết cuối cùng của Seri này. Rất cảm ơn nếu bạn bỏ thời gian đọc đến những dòng này. Nếu bạn thấy có ích thì mời bạn tham gia nhóm Giao dịch quyền chọn trên Facebook. Tôi sẽ cập nhật nhiều thông tin trong đó.

Xin cảm ơn các bạn!

 

LEAVE A REPLY