Porsche đã kiếm hơn 10 tỷ Đô La trong vài ngày từ Bán Khống như thế nào?

0
331

Hôm vừa rồi bạn Huyền (Link FB bạn Huyền:fb.com/huyen.nguyen.happy, bạn Huyền đã đồng ý đăng lên, các bạn quan tâm đến tài chính có thể add fr, trao đổi nhé) đang học online Options Coaching hỏi về việc các quỹ bán khống ntn. Và cũng nhân tiện đang nói về bán khống trong Group giao dịch quyền chọn. Mình nhớ ra một câu chuyện rất hay ho liên quan đến bán khống, nên hôm nay viết ra chia sẻ với mọi người. Trong câu chuyện này, hãng xe hơi nổi tiếng Porsche đã kiếm được hơn 10 tỷ Đô La trong vài ngày nhờ đánh bại các quỹ Bán Khống nhờ chiến lược thông minh của mình.

Mình sẽ trình bày lại một chút về các khái niệm cơ bản, giúp bạn dễ hiểu hơn. Bán Khống là hành động BÁN cổ phiếu khi không sở hữu cổ phiếu đó, vì không có cổ phiếu nên muốn Bán Khống người ta phải đi VAY cổ phiếu..

Người bán khống kiếm lời khi cổ phiếu họ đã bán sụt giá, lúc này họ mua vào số cổ phiếu đã bán ra trước đây, trả số nợ cổ phiếu và lãi phần chênh lệch.

Chính vì chỉ có lời khi cổ phiếu sụt giá nên người ta chỉ bán khống cổ phiếu khi nhận định chắc chắn rằng trong tương lai gần cổ phiếu đấy sẽ sụt giá - thậm chí là sụt giá mạnh.

Cách đây hơn 10 năm, vào khoảng từ 2005 hãng xe hơi nổi tiếng Porsche muốn thâu tóm hãng xe Volkswagen nên đã thông qua nhiều cách thức mua vào cổ phiếu VOW. Việc mua vào này đẩy giá cổ phiếu VOW lên khá cao. Từ mức 36EUR/cp vọt lên hơn 200Eur/cp vào năm 2007.

Khi đó, vài quỹ ở Mỹ, cụ thể là Glenview Capital và Greenlight Capital… cho rằng giá cổ phiếu Volkswagen như vậy là đã quá cao so với giá trị thực, họ quyết định bán khống cổ phiếu của hãng xe hơi này.

Vào thời gian này Porsche tiếp tục mua vào cổ phiếu và bên cạnh đó giao dịch rất nhiều hợp đồng quyền chọn Mua cổ phiếu Volkswagen (mua vào Call Option). Ngay sau khi các quỹ bán khống cổ phiếu VOW có giảm từ 200 Eur xuống 152 Eur nhưng sau đó tăng trở lại do Porsche tiếp tục mua vào.

Không như các quỹ bán khống hi vọng, giá cổ phiếu Volkswagen không giảm mà tiếp tục tăng. Vào 26/10/2008 Porsche tuyên bố đang sở hữu gần 42,6% cổ phần của VW và có các hợp đồng quyền chọn mua tương đương gần 31,5% cổ phần nữa.

Như vậy Porsche đã kiểm soát gần như toàn bộ các cổ phiếu VW có thể giao dịch trên thị trường (phần còn lại thuộc sở hữu của chính phủ và các quỹ chỉ số). Điều này có nghĩa là các quỹ bán khống không mua lại được cổ phiếu để đóng hợp đồng bán khống của họ. Hay nói cách khác họ phải mua lại cổ phiếu với giá mà Porsche bán.

Kết quả là vào 28/10/2008 giá của cổ phiếu VOW tăng lên tới hơn 1.005 Eur/cp - hãy xem đồ thị để thấy mức giá tăng kinh dị này.Thương vụ này được tính toán là đã mang về cho Porsche khoảng 7,5 – 15 tỷ USD chỉ trong vài ngày, và từ đó người ta biết rằng Porsche còn là một “tay chơi” cừ khôi trên thị trường tiền tệ phái sinh.

Mặc dù sau này vụ thâu tóm Volkswagen của Porsche thất bại không những thế nó còn bị chính Volkswagen mua lại vào năm 2009. Nhưng đây vẫn là một bài học kinh điển dành cho các quỹ chuyên bán khống.

Nguyên nhân Porsche bị mua lại là vào 2009, do khủng hoảng toàn cầu nên Porsche không được các ngân hàng tiếp tục cho vay để thực hiện chiến lược thâu tóm của mình nữa. Phải trả số nợ mấy chục tỷ USD nên Porsche phải nhờ sự giúp đỡ ngược lại từ chính VW. Lợi dụng thời cơ này, VW mua lại 49,9% cổ phần của Porsche năm 2009 và đến tháng 8/2012 đã hoàn thành 50,1% còn lại với tổng giá trị cho cả hai lần là gần 8,4 tỷ Euro.

Links tham khảo: http://www.nytimes.com/2008/10/29/business/worldbusiness/29volkswagen.html

Thanh Huyền

LEAVE A REPLY